Văn hoá massage đã hình thành tại Nhật Bản từ rất lâu, massage do trẻ con thực hiện chỉ mang tính gia đình. Trên thị trường hiện có nhiều thiết bị để thỏa mãn nhu cầu thư giãn này.
Ghế massage là một phần quan trọng trong cuộc sống của người Nhật. Trong hàng chục năm qua, rất nhiều loại ghế massage cải tiến đã ra đời.
Dịch vụ massage bằng ghế rất phổ biến tại các điểm tắm suối nước nóng và nhà tắm công cộng ở Nhật. Khách hàng sẽ cảm thấy sức lực được hồi phục và tinh thần sảng khoái sau khi ngâm mình trong nước nóng, rồi được xoa bóp nhẹ nhàng theo chế độ rung trên ghế massage. Ghế massage được ưa chuộng ở Nhật đến mức chúng được đưa vào sử dụng ở những nơi mà nhiều người không nghĩ tới như phòng khám răng, trường học…
Giới trẻ Nhật Bản giờ đây được tận hưởng những tiến bộ của công nghệ sản xuất ghế massage, thiết bị thư giãn vốn ra đời tại đất nước này cách đây hơn nửa thế kỷ.
Chiếc ghế massage đầu tiên trên thế giới được phát minh tại tỉnh Osaka vào năm 1950. Hiện nay, những kiểu ghế massage thuộc thế hệ đầu tiên vẫn được người dân địa phương sử dụng. Ở phần để dựa lưng của ghế có 2 con lăn bằng gỗ được thiết kế song song, khi khởi động ghế, 2 con lăn này tiếp xúc với lưng của người sử dụng và rung nhẹ nhàng. Mỗi lần massage kéo dài trong 30 phút. Người sử dụng có thể điều khiển tay quay bên hông ghế massage để con lăn di chuyển lên cao hơn hoặc xuống thấp hơn phần lưng của họ.
Tác giả của dụng cụ massage thay thế sức người là ông Kawahara Niichi – một nhà phát minh nghiệp dư, cư ngụ tại thành phố Sakai, tỉnh Osaka. Năm 1950, ông Kawahara hoàn thành chiếc ghế massage đầu tiên trên thế giới. Ghế được làm bằng gỗ, hình dáng của nó giống như chiếc ghế dựa thông thường.
Thuật Massage dựa trên các huyệt đạo đã xuất hiện ở Nhật Bản từ rất lâu. Vào thời Edo, tức thế kỷ 17, massage đã là loại hình dịch vụ thư giãn phát triển mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản. Người làm nghề này yêu cầu phải có kiến thức về huyệt đạo và đôi tay dẻo dai.
Trong một bức tranh mô tả quang cảnh của một nhà tắm công cộng thời Edo dành riêng cho nữ, nhưng trong tranh, chúng ta lại thấy sự có mặt của một người nam. Đó là một trong những nhân viên phục vụ tại các nhà tắm công cộng mà người Nhật gọi họ là Sansuke. Công việc của Sansuke là nấu nước, kiểm tra nhiệt độ nước tại nhà tắm, họ cũng đảm trách cả việc kỳ cọ và massage cho khách nếu được yêu cầu.
Đội ngũ Sansuke phát triển mạnh mẽ trong thời Edo nhưng đến sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, hầu như ít ai theo đuổi công việc này. Đó cũng là thời điểm chiếc ghế massage – phát minh mang tính đột phá của ông Kawahara ra đời.
Ông Kawahara là người đã tạo ra chiếc ghế massage nhưng việc phổ biến nó ra công chúng lại do 1 người khác thực hiện. Ông ấy là Nakae Tomoyuki.
Trong một dịp tình cờ, ông Nakae nhìn thấy chiếc ghế lạ mắt trong nhà người hàng xóm Kawahara. Khi được biết đây là dụng cụ dùng để massage, ông Nakae ngỏ ý hợp tác để phát triển nó. Hai người đồng ý làm việc với nhau với mục tiêu là tạo ra chiếc ghế massage hoàn hảo hơn.
Năm 1953, chiếc ghế massage thứ 2 của ông Kawahara được hoàn tất. So với chiếc ghế đầu tiên thì nó có hình dáng đẹp hơn và dễ dàng vận chuyển hơn.
Sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2, kinh tế của Osaka và các địa phương khác của Nhật Bản dần hồi phục, người dân bắt đầu hưởng thụ cuộc sống. Nhà tắm công cộng trở thành điểm đến ưa thích của họ. Lúc này, ghế massage là vật dụng thư giãn phổ biến tại các nhà tắm.
Nhu cầu về ghế massage trong dân chúng tăng lên, các công ty đua nhau sản xuất và cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, tại nhiều nhà tắm công cộng ở thành phố Nishinomia, tỉnh Hyogo vẫn còn sử dụng loại ghế massage thế hệ đầu tiên.
Cùng với thời gian, nhiều kiểu ghế massage cải tiến ra đời. Chiếc ghế gỗ đơn giản trước đây lần lượt được thay thế bằng loại ghế bọc da êm ái, sang trọng. Không chỉ hình dáng bên ngoài của ghế, mà cơ chế hoạt động của con lăn massage cũng được cải tiến mạnh mẽ.
Đến những năm 1980, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thần tốc. Lực lượng lao động từ nông thôn đổ về thành thị để làm việc. Dân số thành thị chiếm đến 70% dân số Nhật Bản, đông nhất là giới nhân viên văn phòng. Điều này cũng có nghĩa là nhu cầu về ghế massage tăng mạnh gấp nhiều lần so với trước.
Thế nhưng, quả bóng tăng trưởng kinh tế này đã vỡ tung vào những năm 1990. Kéo theo đó là hàng loạt lao động bị sa thải hoặc giảm lương, giới nhân viên văn phòng cũng không thuộc ngoại lệ. Doanh số tiêu thụ ghế massage vì thế cũng rơi vào ảm đạm.
Để ứng phó với thời kỳ khó khăn, các công ty sản xuất nghĩ ra nhiều phương án. Một trong những cách mà họ chọn là đẩy mạnh cải tiến sản phẩm sao cho vừa tiện dụng, giá thành lại rẻ.
Những kiểu ghế massage bọc da đắt tiền, kích cỡ to lớn dần được thay thế bằng loại ghế nhỏ gọn, sử dụng chất liệu công nghiệp. Đối tượng khách hàng lúc này là tầng lớp lao động có thu nhập trung bình.
Cuộc cách mạng công nghệ đã biến chiếc ghế massage gỗ mộc mạc của nửa thế kỷ trước trở thành loại hàng hóa hiện đại. Qua hàng chục năm phát triển, giờ đây, ghế massage không chỉ là vật dụng đặc thù của Nhật Bản mà nó đã phổ biến ra toàn thế giới. Sự tiện dụng và hữu ích của nó đã phần nào giúp nhiều người lấy lại trạng thái cân bằng trong cuộc sống.
(Sưu Tầm chodientu.vn ) |